Trong các công trình tâm linh như miếu thờ, chùa, đền… cột đá được xem là bộ phận quan trọng. Không chỉ đảm nhận vai trò chống đỡ phần mái mà cột đá với nhiều hoa văn độc đáo còn tạo điểm nhấn cho công trình và mang đến nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo, kích thước cũng như các loại cột đá thông dụng hiện nay.
Cột đá là gì?
Cột đá là các loại cột trụ được chế tác từ các loại vật liệu như đá tự nhiên, đá trắng, đá xanh nguyên khối, đá xanh rêu… Đây là một hạng mục quan trọng của công trình nhà thờ, đình thờ, chùa, miếu… Cột đá là điểm chịu lực, dùng để nâng đỡ và tạo sự bền vững, vững chắc cho công trình.
Ngoài ra, cột đá được thiết kế với nhiều hoa văn độc đáo còn tăng thêm điểm nhấn, mang đến vẻ đẹp sang trọng, cuốn hút cho công trình. Tùy thuộc vào bàn tay của người thợ mà cột trụ đá sẽ được biến hóa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước cũng như hoa văn điêu khắc.
Cấu tạo của cột đá
Trụ cột đá được cấu tạo gồm các phần cơ bản như: chân cột, thân cột và đầu cột. Cụ thể:
Đầu cột
Phần đầu của cột đá còn được gọi là phần cột lửa. Chúng lắp đặt ở phía trên cùng của cột và thiết kế theo tỷ lệ cân đối với hai phần còn lại. Tùy thuộc vào kết cấu của mỗi công trình mà đầu cột sẽ được thiết kế với kích thước cũng như kiểu dáng phù hợp.
Phần thân cột
Thân cột đá gồm 2 loại chính là cột tròn và cột vuông. Chiều dài của thân cột sẽ tương ứng với kích thước thực tế của công trình. Phía trên thân cột thường được điêu khắc các họa tiết tỉ mỉ, tinh tế để phù hợp với ý nghĩa của công trình.
Một số họa tiết thường thấy ở phần thân cột đá hiện nay gồm: thơ đối, văn tự cổ, tứ quý, tứ linh… Hoặc các hình ảnh tượng trưng cho tôn giáo như Thánh giá, đài sen… Hầu hết cột đá hiện nay đều được điêu khắc theo lối đục khắc kênh bong tạo hiệu ứng 3D để làm nổi bật hình khối, đường nét của hoa văn.
Phần chân cột đá
Phần chân cột hay còn được gọi là đá kê chân cột, chân tảng đá, đế kê cột… Phần này đảm nhận vai trò chịu tải toàn bộ cho cột đá. Do đó, chân cột thường được thiết kế với kích thước lớn hơn phần thân để tạo sự cân bằng và khả năng chịu lực.
Đá kê chân cột được chế tác tỉ mỉ, phần chân tảng chắc chắn, có vai rộng, tạo cảm giác vững chãi, cân đối. Chân cột được chia làm hai phần là phần trên và phần dưới. Phần trên thường được khắc lá bồ đề còn phần dưới khắc họa tiết cánh sen.
Kích thước cột đá chuẩn phong thủy
Tùy thuộc vào từng công trình mà kích thước của cột đá sẽ có sự khác nhau. Cụ thể:
- Đình chùa, nhà thờ tổ tiên: cột đá có chiều cao 261 cm, thân rộng 25×25 cm, đế 45x45cm.
- Nhà thờ họ, đình chùa, cột nhà xây dựng theo phong thủy thước lỗ ban: cột đá có chiều cao 259cm, thân rộng 30x30cm, đế 45x45cm.
- Đối với các công trình nhỏ: cột đá có chiều cao 208cm, thân rộng 25x25cm, đế 40x40cm.
Phân loại cột đá
Cột đá được phân loại dựa vào hình dáng, chất liệu đá cũng như công trình. Cụ thể như sau:
Dựa theo hình dáng
Dựa vào hình dáng, cột đá được chia thành cột đá hình vuông và cột đá hình tròn.
Cột đá hình vuông
Cột đá vuông với đường nét góc cạnh thể hiện sự uy nghi, mạnh mẽ. Mẫu cột đá này được ứng dụng để làm cột hiên, cột sảnh hoặc hàng rào tại các khu vực đền chùa hay công trình tâm linh. Hoa văn trên cột đá vuông thường là tứ linh, tứ quý hoặc các câu đối chữ Hán, chữ Nôm.
Cột đá hình tròn
Đây là mẫu cột đá được sử dụng phổ biến nhất tại các công trình đền chùa, miếu mạo hiện nay. Bởi theo quan niệm phong thủy, hình tròn đại diện cho sự vĩnh cửu, trường tồn. Cột đá hình tròn có độ bền cao, đảm bảo sự vững chắc theo thời gian. Hoa văn khắc trên loại cột đá này thường là những đường nét mềm mại, chủ yếu là rồng, phượng.
Dựa vào chất liệu đá
Hiện nay có nhiều loại đá tự nhiên được dùng để chế tác cột trụ đá. Tuy nhiên, để đảm bảo độ cứng, độ bền và độ bóng thì đá hoa cương, đá xanh tự nhiên, đá vàng và đá cẩm thạch là những loại đá được sử dụng phổ biến hơn cả.
Cột đá được làm từ đá xanh tự nhiên
Loại đá này được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực Ninh Bình, Thanh Hóa. Cột trụ làm từ đá xanh tự nhiên sở hữu nhiều ưu điểm như: màu sắc trang nhã, hài hòa, dễ chế tác và điêu khắc hoa văn. Đá có độ cứng cao, đảm bảo độ bền và tuổi thọ cho công trình.
Cột đá hoa cương
Hoa cương cũng là loại đá được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng. Ưu điểm của đá hoa cương là độ bền cao, có nhiều màu sắc độc đáo với những đường vân độc lạ. Do đó cột trụ đá được chế tác từ loại đá này có giá trị thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn cho công trình.
Cột đá cẩm thạch
Cẩm thạch là đá tự nhiên quý hiếm và có giá trị cao. Do đó để đáp ứng nhu cầu sử dụng và tiết kiệm chi phí cho khách hàng, các loại đá giả cẩm thạch ra đời. Với nhiều ưu điểm như đường vân đẹp, màu sắc chân thật, độ sáng bóng cao… các cột đá cẩm thạch mang đến vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng cho công trình.
Cột đá vàng
Cột đá vàng được sử dụng trong những công trình phong cách cổ điển hoặc hoàng gia. Ưu điểm của đá vàng là độ cứng vượt trội, độ bền cao, có đường vân và màu sắc đẹp. Đặc biệt, chất liệu đá này giúp các nghệ nhân có thể điêu khắc và chế tác ra các họa tiết ấn tượng, đẹp mắt.
Dựa vào từng loại công trình, kiến trúc
Dựa vào từng công trình, kiến trúc, cột đá được chia thành cột hiên, cột đá trong nhà và cột đồng trụ.
Cột đá trong nhà
Cột đá trong nhà còn được biết đến với tên gọi khác là cột trụ. Cột trụ đóng vai trò nâng đỡ phần mái, tạo sự kiên cố, vững chắc cho công trình. Theo đó, cột trụ càng chắc thì ngôi nhà càng vững chãi.
Cột đồng trụ
Đây là một dạng của cột đá, được sử dụng trong các công trình tâm linh như nhà thừ, chùa, đền, miếu mạo… Cột đồng trụ được làm từ đá hoặc gỗ, tuy nhiên để đảm bảo độ bền thì người ta thường lựa chọn chất liệu đá để làm cột đồng trụ. Trên mỗi cột đồng được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo để tăng thêm tính thẩm mỹ.
Cột hiên đá
Cột hiên đá được đặt ở vị trí ngoài hiên nhà do đó trong số các loại cột thì cột hiên đá có chiều cao thấp nhất. Không chỉ đóng vai trò nâng đỡ mái hiên mà cột hiên đá còn đóng vai trò trong việc giúp thoát nước, tránh ứ đọng gây hỏng mái. Hiện nay cột hiên bằng đá được ứng dụng trong công trình nhà ở, nhà thờ họ, từ đường…
Ý nghĩa tâm linh của các hoa văn trên cột đá
Bên cạnh kích thước cũng như cấu tạo của cột trụ đá thì ý nghĩa tâm linh của các hoa văn, câu đối được điêu khắc trên cột đá cũng được nhiều người quan tâm. Để tăng tính thẩm mỹ cho công trình, các mẫu cột đá thường được điêu khắc thêm các hoa văn như tứ linh, tứ quý, hoa sen, rồng phượng… Hãy cùng khám phá ý nghĩa độc đáo của các họa tiết, hoa văn này ngay dưới đây!
Rồng, phượng
Rồng, phượng là hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt. Đây là hai linh vật mang đến nhiều ý nghĩa phong thủy tốt lành. Hình ảnh rồng uốn mình quanh cột hướng bay lên trời thể hiện quyền năng vô hạn và sức mạnh phi thường. Trong khi đó hình ảnh phượng được chạm khắc ưu nhã, cao quý thể hiện sự quyền uy, cao sang.
Tại các công trình tâm linh như chùa chiền, nhà thờ họ… hình ảnh rồng, phượng được chạm khắc lên cột đá vừa mang vẻ đẹp cổ kính, vừa thể hiện được sự trang trọng ở nơi thờ phụng. Đồng thời, rồng phượng cũng được xem là sợi dây kết nối hai thế giới tâm linh, thể hiện tấm lòng biết ơn và mong muốn những điều tốt đẹp của người còn sống dành cho người đã khuất.
Tứ linh
Tứ linh bao gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Tứ linh đại diện cho những điềm lành, điều tốt đẹp trong cuộc sống. Họa tiết tứ linh trên cột đá chính là sự giao thoa giữa các yếu tố tự nhiên của đất trời đồng thời thể hiện được nét đặc sắc mang tính dân tộc.
Tứ bình
Đây cũng là một trong những hình ảnh thường thấy trong cột đá. Tứ bình gồm 4 loại cây Tùng – Cúc – Trúc – Mai, bốn loại cây này tượng trưng cho 4 mùa trong năm. Họa tiết tứ bình mang ý nghĩa đại diện cho những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trong đó, mỗi loại cây đều mang một ý nghĩa và đại diện cho một điều riêng biệt.
- Cây Mai: Đại diện cho mùa xuân, cho những điều mới mẻ và thể hiện sức sống mãnh liệt.
- Cây Trúc: Đại diện cho mùa hạ, cho cốt cách kiên trung, hiên ngang của người dân Việt Nam.
- Cây Cúc: Đại diện cho mùa thu, tượng trưng cho sự trường thọ, sức sống lâu bền và sự hạnh phúc.
- Cây Tùng: Đại diện cho mùa đông, biểu trưng cho những phẩm chất và cốt cách tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Câu đối
Họa tiết câu đối được xem là nét đẹp văn hóa thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt. Việc chạm khắc câu đối trên cột đá là cách truyền tải thông điệp tinh tế và thể hiện mong ước của người trần dành cho những người đã mất. Ngoài ra, những câu đối trên cột đá còn tượng trưng cho những lời răn dạy của ông cha với con cháu hậu thế.
Một số mẫu cột đá đẹp hiện nay
Dưới đây là tổng hợp một số mẫu cột đá đẹp mà bạn có thể tham khảo:
Hy vọng với những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc cột đá là gì cũng như cấu tạo và ý nghĩa tâm linh của hoa văn trên cột đá. Để được tư vấn thêm về các vật phẩm phong thủy đừng quên liên hệ với Văn Duyên để được hỗ trợ.